spot_img
More

    Startup công cụ tìm kiếm dựa vào chatbot AI được định giá hơn 1 tỉ đô la Mỹ

    Perplexity AI, công ty khởi nghiệp sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xây dựng cỗ máy tìm kiếm cạnh tranh với Google của Alphabet, vừa huy động thành công 63 triệu đô la Mỹ dựa trên mức định giá hơn 1 tỉ đô la Mỹ.

    Ba người sáng lập Perplexity, Johnny Ho, Aravind Srinivas và Denis Yarats (từ trái sang phải). Ảnh: Bloomberg

    Theo thông báo của Perplexity AI hôm 23-4, công ty đã hoàn tất vòng gọi vốn 63 triệu đô la dựa trên mức định giá 1,04 tỉ đô la, tăng gấp đôi so với 3 tháng trước. Dẫn đầu vòng gọi vốn là nhà đầu tư công nghệ Daniel Gross. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của tỉ phú Stanley Druckenmiller, CEO của vườn ươm khởi nghiệp Y Combinator, Garry Tan và CEO của hãng phần mềm thiết kế đồ họa Figma, Dylan Field. Một số nhà đầu tư trước đây của Perplexity gồm hãng thiết kế chip Nvidia và người sáng lập Amazon.com, Jeff Bezos cũng góp thêm vốn.

    Daniel Gross, người trước đây điều hành các dự án AI của Apple và là đối tác của Y Combinator, đánh giá cao các tính năng của chatbot AI của Perplexity như trích dẫn và khai thác thông tin chất lượng cao từ các nguồn có thẩm quyền.

    Cho đến nay, Perplexity, có trụ sở ở San Francisco (Mỹ) đã huy động tổng cộng 165 triệu đô la thông qua 3 vòng gọi vốn. Trang tin TechCrunch hôm 23-4 dẫn các nguồn thạo tin cho biết, công ty dự kiến huy động thêm ít nhất 250 triệu đô la dựa trên mức định giá từ 2,5-3 tỉ đô la.

    Được thành lập cách đây chưa đầy 3 năm, Perplexity cung cấp công cụ tìm kiếm kiểu hội thoại dựa vào chatbot AI để tóm tắt kết quả tìm kiếm, liệt kê các trích dẫn cho câu trả lời và giúp người dùng tinh chỉnh các truy vấn để nhận được phản hồi tốt nhất. Thay vì trả kết quả tìm kiếm bằng những đường link màu xanh da trời theo kiểu của Google, Perplexity tạo ra câu trả lời dạng tường thuật nội dung với các trích dẫn có kèm theo đường link chứa thông tin nguồn. Sau đó, người dùng có thể đặt các câu hỏi cụ thể hơn để tìm các thông tin chi tiết.

    Bằng cách nhấn mạnh vào độ chính xác, Perplexity nhanh chóng tạo ra sự khác biệt cho chatbot của công ty trong một thị trường ngày càng đông đúc. Cỗ máy tìm kiếm của Perplexity đã thu hút được những người nổi tiếng. CEO của Nvidia, Jensen Huang, cho biết sử dụng chatbot AI của Perplexity hầu như mỗi ngày. Trong năm nay, tính cho đến hiện tại, Perplexity đã xử lý gần 75 triệu truy vấn của người dùng ở Mỹ. Con số này lớn hơn lượng truy vấn trong cả năm 2023.

    Perplexity, đang cung cấp các phiên bản dịch vụ miễn phí và trả phí. Ước tính, doanh thu phí hàng năm từ người dùng khoảng 20 triệu đô la. Giống như nhiều công ty AI khác, Perplexity đang cố gắng tăng doanh thu bằng cách tập trung bán dịch vụ AI cho các doanh nghiệp. Startup này vưa ra mắt phiên bản chatbot AI tìm kiếm mới dành cho doanh nghiệp, có tên gọi Perplexity Enterprise Pro, với mức phí 40 đô la/tháng. Chatbot này được bổ sung các tính năng mới  bao gồm các biện pháp bảo mật dữ liệu mạnh mẽ hơn. Bridgewater Associates, Zoom Video Communications và Cleveland Cavaliers là một trong những doanh nghiệp đầu tiên sử dụng sản phẩm này.

    “Chúng tôi muốn đưa sản phẩm này đến mọi doanh nghiệp ở Mỹ”, Aravind Srinivas, đồng sáng lập kiêm CEO Perplexity, nói trong một cuộc phỏng vấn.

    Perplexity cũng đang tìm cách mở rộng nền tảng người dùng sang các khu vực khác bên ngoài Mỹ. Công ty đã ký kết quan hệ đối tác phân phối với hai nhà điều hàng mạng viễn thông lớn, SoftBank Corp. của Nhật Bản và Deutsche Telekom của Đức, để tiếp thị dịch vụ tìm kiếm tới tổng cộng hơn 300 triệu người dùng trên toàn thế giới. Một số khách hàng trong số này sẽ được Perplexity cung cấp gói thuê bao miễn phí trong vòng một năm. Perplexity cũng có cơ hội kiếm doanh thu từ việc bán quảng cáo trong hoặc xung quanh các câu trả lời.

    Với đội ngũ vỏn vẹn 55 người, Perplexity có quy mô nhỏ hơn và ít vốn hơn nhiều so với OpenAI, nhà phát triển ChatGPT, chứ chưa nói đến Google. Tuy nhiên, mối quan tâm ngày càng tăng của nhà đầu tư và người dùng với Perplexity cho thấy sự hào hứng đối với một loạt sản phẩm AI mới nhằm định hình lại các dịch vụ internet cơ bản như tìm kiếm. Về phần mình, Google đang chạy đua nâng cấp các sản phẩm để tận dụng AI. Hãng tìm kiếm khổng lồ này đang xem xét tính phí đối với các tính năng tìm kiếm được hỗ trợ bởi AI.

    Srinivas thừa nhận, công ty đang cạnh tranh với “những con cá mập lớn” nhưng lợi thế của Perplexity là sự linh hoạt cũng như nỗ lực thiết kế công nghệ tìm kiếm ngay từ đầu để tập trung vào độ chính xác. Công ty cập nhật dữ liệu thường xuyên cho chatbot tìm kiếm và khai thác dữ liệu từ một số mô hình hàng đầu chẳng hạn như GPT-4 của OpenAI, Claude của Anthropic và Llama-3 của Meta, để đưa ra phản hồi tốt nhất.

    Triển vọng tăng trưởng của Perplexity có thể phụ thuộc vào việc công cụ tìm kiếm của công ty có thể đưa ra các câu trả lời do AI hỗ trợ chính xác và đầy đủ hơn so với Google và các cỗ máy tìm kiếm khác hay không, đặc biệt là đối với các tìm kiếm mang tính thương mại đối với các sản phẩm như ô tô và hợp đồng bảo hiểm.

    Theo Bloomberg, Fast Company

     

     

    Saigon
    Saigon
    Sài Gòn là thành phố lớn nhất Việt Nam và là một siêu đô thị. Đây còn là trung tâm kinh tế, giải trí, một trong hai trung tâm văn hóa và giáo dục quan trọng tại Việt Nam.
    spot_img

    Bài viết liên quan

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here