spot_img
More

    Nhận thức về khu công nghiệp phát triển bền vững còn mờ nhạt

    Theo số liệu được đưa ra tại diễn đàn “Thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam” ngày 28/3/2024, do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp) tổ chức, cả nước hiện đã có 418 khu công nghiệp đã thành lập.

    Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha. Trong số các khu công nghiệp đã được thành lập, có 298 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 92,2 nghìn ha.

    50% KHU CÔNG NGHIỆP CHƯA BIẾT KHÁI NIỆM “PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG”

    Trong số 298 khu công nghiệp đang hoạt động, có 272 khu công nghiệp đã vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường (đạt tỷ lệ khoảng 91,3%), đáp ứng chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao.

    Thống kê cho thấy, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp phần vào việc chuyển cán cân thương mại của Việt Nam từ nhập siêu, đến cân bằng và sang xuất siêu, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách.

    “Những con số trên cho thấy, sự phát triển của các khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong bức tranh kinh tế – xã hội của Việt Nam, cũng như phát triển bền vững các khu công nghiệp sẽ góp phần đáng kể vào việc hiện thực hóa các cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh.

    Ông Nguyễn Quang Vinh: "Nhận thức về khu công nghiệp phát triển bền vững còn yếu".
    Ông Nguyễn Quang Vinh: “Nhận thức về khu công nghiệp phát triển bền vững còn yếu”.

    Tuy nhiên, nghiên cứu, khảo sát thực trạng các khu công nghiệp theo khung kinh tế, môi trường, xã hội và quản trị (EESG) với 19 nhóm chỉ tiêu chính, tại 118 khu công nghiệp trên cả nước năm 2022 của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) cùng tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững tại Việt Nam (IDH Việt Nam) thực hiện cho thấy, xanh hoá các khu công nghiệp chưa được quan tâm nhiều.

    Kết quả nghiên cứu chỉ ra, tỷ lệ ban hành chính sách phát triển EESG trong các khu công nghiệp còn thấp: chỉ 39% có chính sách quản trị rủi ro để đảm bảo tuân thủ pháp luật về môi trường, 21% có chính sách quản trị rủi ro đảm bảo tuân thủ về xã hội, 10% có chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, 13% có chính sách về chuyển đổi số.

    Bên cạnh đó, nhận thức về khu công nghiệp phát triển bền vững còn yếu. Kết quả phỏng vấn sâu cho biết có tới 50% khu công nghiệp chưa nghe đến khái niệm khu công nghiệp phát triển bền vững, 30% có nghe hiểu về khái niệm khu công nghiệp sinh thái và 20% hiểu rõ khu công nghiệp phát triển bền vững cần bảo đảm cân đối về phát triển đồng thời của 4 trụ cột EESG.

    Kết quả khảo sát cũng cho thấy, chỉ có 22% khu công nghiệp có chứng chỉ hệ thống quản lý quốc tế. Đáng lưu ý, 77% khu công nghiệp không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.

    Theo ông Vinh, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra một số “điểm nghẽn” trong các khía cạnh về nhận thức, xây dựng chính sách, quản trị của các khu công nghiệp liên quan đến việc phát triển bền vững các khu công nghiệp. Do đó, cần có chính sách và hành động để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc xây dựng, vận hành các khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam.

    ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KHU CÔNG NGHIỆP SINH THÁI

    Cùng quan điểm, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng dư địa để phát triển các khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp bền vững là rất lớn.

    Đó là việc phát triển đồng bộ, phát triển xanh trong hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế sẽ có những đóng góp tích cực và đáng kể vào nỗ lực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.

    Nhận thức về khu công nghiệp phát triển bền vững còn mờ nhạt - Ảnh 1

    Hơn nữa, với việc Việt Nam có 16 FTA đã ký kết và 3 FTA đang đàm phán, những yêu cầu về chuỗi ngành hàng, chuỗi giá trị và các khâu về sản xuất xanh sạch rất quan trọng, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào thị trường khó tính.

    Hay chiến lược Quốc gia và phát triển xanh giai đoạn 2021-2030 cũng như cam kết của Chính phủ tại COP26 là những yêu cầu bức thiết đặt ra đối với khu vực sản xuất công nghiệp để phát triển theo hướng xanh, bền vững.

    Theo xu hướng này, mô hình khu công nghiệp truyền thống sẽ được thay đổi và phát triển theo hướng bền vững, tiệm cận với yêu cầu quốc tế. Nguyên lý của việc phát triển các khu công nghiệp bền vững bắt đầu từ sinh thái công nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất theo nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn.

    Bà Hiếu cũng cho biết cùng với sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai hai giai đoạn phát triển khu công nghiệp sinh thái tương tự như mô hình Hàn Quốc.

    Giai đoạn 1: Thí điểm thực hiện từ năm 2014-2019 với 3 khu công nghiệp tại 3 tỉnh thành phố đại diện cho ba miền, với những giải pháp can thiệp tại 72 doanh nghiệp trong khu công nghiệp, đạt được hiệu quả tiết kiệm tương đối lớn.

    Giai đoạn 2: Từ năm 2020 đến nay vẫn đang tiếp tục và dự kiến giai đoạn này sẽ kết thúc vào năm 2024. Giai đoạn 3 tiếp tục thực hiện tại một số tỉnh thành phố khác.

    Song bên cạnh sự nỗ lực của Bộ cùng những hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài, bà Hiếu cho rằng vai trò của UBND các tỉnh vô cùng quan trọng trong hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp. Vì đây là yếu tố quan trọng hỗ trợ kết nối và thực hiện các sáng kiến khu công nghiệp sinh thái, cũng như chuyển giao các công nghệ tiên tiến trong khu công nghiệp.

    Ngoài ra, các doanh nghiệp cần hợp tác với nhau để sử dụng chung các hệ thống hạ tầng sản xuất, tái sử dụng nguyên liệu sản xuất. Đồng thời có thể kết hợp với doanh nghiệp thứ ba ở ngoài khu công nghiệp trong hiện thực hóa các kết nối cộng sinh công nghiệp.

    Ban quản lý các khu công nghiệp tại các tỉnh thành phố có thể giao cho một đơn vị công lập thực hiện các chức năng xây dựng, cung cấp thông tin, kết nối, tư vấn quá trình triển khai thực hiện khu công nghiệp sinh thái.

    Saigon
    Saigon
    Sài Gòn là thành phố lớn nhất Việt Nam và là một siêu đô thị. Đây còn là trung tâm kinh tế, giải trí, một trong hai trung tâm văn hóa và giáo dục quan trọng tại Việt Nam.
    spot_img

    Bài viết liên quan

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here