spot_img
More

    Người bán hàng qua TikTok đối mặt tương lai bất định

    Dự luật của Chính phủ Mỹ nhằm vào TikTok đang khiến hàng triệu doanh nghiệp và người bán hàng nhỏ lẻ hoạt động dựa trên nền tảng này đối mặt với tương lai đầy trắc trở.

    Những người bán hàng tại Trung Quốc vấp phải rào cản lớn

    Luo Ziyan, chủ sở hữu tài khoản trực tuyến Daxiang, người điều hành một số cửa hàng sinh lời trên TikTok cho Công ty thương mại điện tử Uebezz, từng khiến các nhà buôn khác ở Nghĩa Ô, trung tâm xuất khẩu phía Nam Thượng Hải (Trung Quốc) phải ghen tị.

    Giám đốc bán hàng xuyên biên giới này là một trong những người đầu tiên sử dụng TikTok, ứng dụng chia sẻ video ngắn phổ biến toàn cầu, để quảng cáo hàng gia dụng tới người tiêu dùng ở Mỹ và Đông Nam Á. Nhiều người mong muốn lặp lại thành công của Luo Ziyan đã nhắn tin nhờ cô chia sẻ kinh nghiệm bán hàng.

    Thế nhưng, hôm 24-4, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành luật yêu cầu ByteDance (tập đoàn Trung Quốc sở hữu TikTok) phải thoái vốn khỏi TikTok ở Mỹ trong 270 ngày nếu không sẽ đối mặt với lệnh cấm ứng dụng này, Luo Ziyan đã nhận được ít nhất một câu hỏi mỗi ngày xoay quanh chủ đề: Việc mở cửa hàng trên TikTok liệu có đối mặt với rủi ro hay không?

    Luo Ziyan nói cô không biết phải trả lời thế nào. “Nếu không có luật này, tôi chắc chắn sẽ khuyên họ nên làm như vậy ở Mỹ”, Luo Ziyan cho biết và nói thêm rằng hoạt động kinh doanh của cô ở Mỹ chắc chắn có lợi hơn so với các thị trường khác.

    Các thương nhân xuyên biên giới khác được SCMP phỏng vấn, đưa ra câu trả lời chắc chắn hơn. Hong Ming, đồng sáng lập tổ chức TikTok Seller Alliance có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc), khẳng định: “Đây không phải là lúc để những người mới quyết định tham gia vào thị trường Mỹ”.

    Đòn giáng mạnh vào tham vọng của ByteDance

    Dự luật mới đã cản trở công việc của không chỉ những người bán hàng Trung Quốc đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh sang TikTok mà còn với chính nền tảng này, vốn đang đẩy mạnh nỗ lực kiếm lợi nhuận thông qua thương mại điện tử nhờ sự phổ biến của nó trong giới trẻ Mỹ.

    Hơn 500.000 thương nhân Trung Quốc đã bán hàng cho người tiêu dùng Mỹ thông qua TikTok vào cuối năm ngoái, cao hơn gấp đôi so với ba tháng trước đó. Tính trên phạm vi toàn cầu, TikTok đã có hơn 15 triệu người bán hàng, tính đến tháng 12-2023.

    Thế nhưng, đồng hồ đang đếm ngược với TikTok vì nền tảng này chỉ còn thời hạn đến ngày 19-1-2025 để “chiến đấu” cho việc ở lại Mỹ. Và ByteDance hiện vẫn không sẵn sàng từ bỏ quyền sở hữu đối với ứng dụng Trung Quốc đầu tiên đạt được sự phổ biến trên toàn cầu.

    Công ty có trụ sở tại Bắc Kinh hồi tháng trước cho biết, hãng không có kế hoạch thoái vốn khỏi TikTok ở Mỹ.

    Đây không phải là lần đầu tiên TikTok đối mặt với những lệnh cấm trên thế giới. Hồi năm 2020, Ấn Độ đã chặn TikTok và nhiều ứng dụng khác của Trung Quốc với lý do lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật.

    Thế nhưng, việc rời khỏi Mỹ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều với TikTok nói riêng và tham vọng công nghệ của Trung Quốc nói chung. Theo một nguồn tin thân cận trong nội bộ ByteDance, TikTok có thể chấp nhận việc rời Ấn Độ nhưng với Mỹ là câu chuyện hoàn toàn khác, bởi nhiều video lan truyền toàn cầu trên nền tảng này được tạo ra bởi người dùng Mỹ.

    Việc TikTok rời Mỹ cũng sẽ giáng một đòn mạnh vào tham vọng của nhà đồng sáng lập ByteDance là tỉ phú Zhang Yiming. Zhang Yiming đã nhiều lần nói về tầm nhìn của ông về hoạt động toàn cầu dựa trên TikTok. Giấc mơ đó giờ đây dường như ngày càng xa vời trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng trở nên gay gắt.

    Bên cạnh đó, các nguồn tin thân cận cũng chia sẻ với Reuters rằng nếu hành động pháp lý thất bại, ByteDance thà đóng cửa các hoạt động của TikTok tại Mỹ chứ không bán nền tảng này. Điều này có thể coi là hợp lý, bởi dù chỉ đưa ra những phản ứng tương đối kiềm chế về dự luật nhằm vào TikTok ở Mỹ, Chính phủ Trung Quốc trước đây từng tuyên bố rõ rằng các thuật toán mạnh mẽ thúc đẩy TikTok không thể được bán cho chủ sở hữu Mỹ.

    Ngay cả khi ByteDance cố gắng bán TikTok cho các công ty Mỹ, sự phẫn nộ từ truyền thông nhà nước và người dùng Internet Trung Quốc sẽ khiến những nỗ lực đạt được bất kỳ thỏa thuận nào cũng đối mặt với những khó khăn về mặt chính trị. Hồi năm 2020, những chỉ trích từ dư luận trong nước khi ByteDance nỗ lực bán cổ phần thiểu số trong TikTok cho các nhà đầu tư Mỹ đã khiến công ty phải đưa ra tuyên bố làm rõ rằng TikTok Global vẫn sẽ là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của họ.

    Những người bán hàng tại Mỹ loay hoay tìm kiếm giải pháp

    Những biến động liên quan đến TikTok không chỉ ảnh hưởng tới những người bán hàng tại Trung Quốc, mà còn cả ở Mỹ. Theo dữ liệu được TikTok công bố vào tháng 3, hơn 7 triệu doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ sử dụng nền tảng này.

    Theo Rory Cutaia, người sở hữu một nền tảng mua sắm trực tuyến trên mạng xã hội đã hợp tác với TikTok Shop, việc cấm TikTok sẽ tạo ra hiệu ứng lan rộng đến nền kinh tế vì nó đã trở thành nền tảng chính cho các công ty mới nổi. Cutaia nói: “Có lẽ hàng tỉ đô la Mỹ sẽ bị loại bỏ khỏi nền kinh tế”.

    Chia sẻ với AFP, anh Bilal Rehman – một người có ảnh hưởng (KOL) đã thành công trong việc xây dựng hoạt động kinh doanh đồ nội thất trị giá hàng triệu đô la Mỹ nhờ TikTok, cho biết: “TikTok cực kỳ quan trọng đối với công việc kinh doanh của tôi. Không giống như các nền tảng khác, thuật toán TikTok đã được xây dựng để hiển thị bạn với nhiều đối tượng khác nhau, không chỉ những người biết bạn hoặc quen thuộc với bạn. Nhờ đó, tôi đã có được lượng khán giả khổng lồ từ khắp nơi trên thế giới – điều không thể có được với Facebook, Instagram hay YouTube”.

    Theo anh Rehman, dự luật mới có thể khiến “tất cả những doanh nghiệp đã được xây dựng dựa trên TikTok trong 5-6 năm qua phải chịu những khoản lỗ nặng nề, lượng khách hàng bị cắt giảm và kéo theo sự mất mát nhiều việc làm”.

    Khi sự bất ổn ngày càng gia tăng, những KOL trên TikTok đã bắt đầu thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

    Alessandro Bogliari, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty The Influencer Marketing Factory có trụ sở tại Miami, nói điều rất quan trọng với những nhà sáng tạo và người bán hàng là phải đa dạng hóa sự hiện diện của mình bất kể có lệnh cấm TikTok hay không.

    Ông nói: “Thật rủi ro khi chỉ dựa vào một nền tảng do các thuật toán luôn thay đổi ảnh hưởng đến cách những người sáng tạo nội dung tiếp cận khán giả của họ. Hơn nữa, nếu TikTok bị cấm, nhà sáng tạo và người bán có thể gặp khó khăn về tài chính khi cố gắng tìm kiếm các nguồn doanh thu mới”.

    Những bất ổn chờ đợi TikTok và các doanh nghiệp

    Dù được phổ biến rộng rãi nhưng TikTok vẫn đang phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ. Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Sensor Tower vào tháng 3, gần 94% người dùng TikTok ở Mỹ cũng xem YouTube trong 90 ngày trước đó. 80% số người dùng sử dụng Instagram và 68% dùng Facebook.

    Ông Abraham Yousef, nhà phân tích chuyên sâu cấp cao tại Sensor Tower, nói: “Google (chủ sở hữu YouTube) và Meta Platforms sẽ sẵn sàng nắm bắt nhu cầu của nhà quảng cáo đối với các vị trí đặt video dạng ngắn, do mỗi nền tảng đều có giải pháp thay thế video dạng ngắn khả thi tương ứng là Shorts và Reels”.

    Bên cạnh đó, không ít người mua sắm ở Mỹ dường như đã không còn hứng thú với TikTok. Theo EchoTik – nhà cung cấp phân tích và dữ liệu tập trung vào TikTok, tháng trước, tổng giá trị hàng hóa bán ra trên TikTok ở Mỹ chỉ đạt dưới 419 triệu đô la, thấp hơn mức 446 triệu đô la trong tháng 3, dù vẫn cao hơn tháng 2 và ba tháng trước đó.

    Tuy vậy, theo ông Wang Haizhou, người sáng lập EchoTik, bất chấp triển vọng u ám, Mỹ vẫn là một trong những thị trường quan trọng nhất với các thương nhân xuyên biên giới, vì đây vẫn là quốc gia đi đầu về xu hướng văn hóa và người tiêu dùng ở đó có mức sống khá giả hơn. Ông nói: “Một khi một thương hiệu trở nên phổ biến ở Mỹ, các thị trường khác sẽ noi theo”.

    Nếu TikTok phải rời khỏi Mỹ, Hong Ming từ TikTok Seller Alliance, cho biết sẽ chuyển sang sử dụng các nền tảng khác, dù cửa hàng hiện tại của ông được cung cấp bởi Shopify “không thể so sánh với cửa hàng TikTok về doanh số”. Trước mắt, Hong Ming khuyên những người bán hàng nên giữ bình tĩnh và tiếp tục hoạt động. “Chỉ cần làm bất cứ điều gì bạn có thể và xem mọi thứ sẽ diễn biến như thế nào trước thời hạn 270 ngày”.

    Còn theo cô Luo Ziyan, Giám đốc bán hàng của Uebezz, hiện tại Uebezz vẫn duy trì hoạt động bình thường ở Mỹ, nơi nhiều hàng hóa của công ty được lưu trữ tại một nhà kho địa phương chờ bán. Cô cho biết những bước đi tiếp theo sẽ phụ thuộc vào các điều khoản chính xác của lệnh cấm. Luo Ziyan nói rằng nếu đó chỉ là việc buộc phải xóa TikTok khỏi các cửa hàng ứng dụng ở Mỹ, cô vẫn có thể tiếp cận những người dùng Mỹ đã cài đặt ứng dụng này trên thiết bị của họ.

    Nguồn: SCMP, Los Angeles Times, Newsweek, New York Times, AFP

    Saigon
    Saigon
    Sài Gòn là thành phố lớn nhất Việt Nam và là một siêu đô thị. Đây còn là trung tâm kinh tế, giải trí, một trong hai trung tâm văn hóa và giáo dục quan trọng tại Việt Nam.
    spot_img

    Bài viết liên quan

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here