spot_img
More

    Lợi nhuận công nghiệp tăng, báo hiệu kinh tế Trung Quốc dần ổn định

    Lợi nhuận của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp ở Trung Quốc tăng trưởng trở lại trong 2 tháng đầu năm sau khi giảm liên tục trong suốt năm ngoái. Theo giới phân tích, đó là dấu hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai đang dần ổn định.

    Công nhân làm việc ở một dây chuyền lắp ráp máy kéo ở thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

    Lần đầu tiên tăng trưởng kể từ giữa năm 2022

    Dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 27-3 cho thấy lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp ở Trung Quốc tăng hàng năm 10,2% trong 2 tháng đầu năm sau khi giảm 2,3% trong năm 2023. Đây là lần đầu tiên lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc tăng kể từ tháng 6-2022 và là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 12-2021.

    Yu Weining, nhà phân tích của NBS, cho biết doanh thu của các doanh nghiệp công nghiệp tăng rõ rệt khi nhu cầu thị trường tiếp tục phục hồi và sản lượng công nghiệp tăng nhanh. “Điều đó tạo điều kiện thuận lợi cải thiện lợi nhuận của họ”, ông nói.

    Yu Weining cho biết thêm, khoảng 29 trong số 41 ngành công nghiệp chính của Trung Quốc có lợi nhuận tăng trong hai tháng đầu năm.

    Cụ thể, các doanh nghiệp nhà nước báo cáo lợi nhuận tăng 0,5%, trong khi đó, các công ty tư nhận ghi nhận lợi nhuận tăng 12,7% trong giai đoạn này. Riêng lợi nhuận của các công ty nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc tăng mạnh ở mức 31,2%.

    Lợi nhuận trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc tăng 17,4% trong 2 tháng đầu năm, trong khi lợi nhuận của lĩnh vực dịch vụ tiện ích (điện, nước, gas) tăng 63,1%. Lĩnh vực khai thác mỏ là lực cản chính đối với tăng trưởng lợi nhuận chung của khu vực công nghiệp, chứng kiến lợi nhuận giảm 21,1% trong cùng giai đoạn. Đóng góp chính vào tăng trưởng lợi nhuận chung là lĩnh vực sản xuất thiết bị, ghi nhận mức tăng trưởng 28,9% so với một năm trước. Nhờ nhu cầu trong và ngoài nước được cải thiện, lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng của Trung Quốc đạt mức tăng lợi nhuận 12,9% trong hai tháng đầu năm.

    Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng ANZ, cho rằng sự cải thiện trong hoạt động xuất khẩu giúp lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc tăng lên. Ngoài ra, hiệu ứng so sánh từ nền tảng tăng trưởng lợi nhuận công nghiệp thấp hồi đầu năm ngoái cũng góp phần nâng cao số liệu tăng trưởng trong đầu năm nay.

    Zhou Maohua, nhà phân tích của ngân hàng Everbright China Bank, dự đoán lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc tiếp tục tăng. Tuy nhiên, ông lưu ý lợi nhuận của khu vực này có thể bị ảnh hưởng do triển vọng nhu cầu toàn cầu không chắc chắn, biến động giá năng lượng và các hàng hóa khác cũng như tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do xung đột địa chính trị.

    Củng cố đà phục hồi của nền kinh tế

    Sự gia tăng lợi nhuận công nghiệp cung cấp thêm bằng chứng cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang củng cố động lực tăng trưởng vững chắc hơn trong năm nay nhờ nhu cầu nước ngoài phục hồi và chính sách kích thích của Bắc Kinh. Dù vậy, áp lực giảm phát vẫn kéo dài khi nhu cầu trong nước ảm đạm do giá bất động sản sụt giảm dai dẳng và niềm tin của người tiêu dùng suy yếu.

    Lynn Song, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng ING, cho biết sự phục hồi của lợi nhuận công nghiệp diễn ra sau khi tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Trung Quốc bất ngờ tăng mạnh 7% trong tháng 1 và tháng 2.

    Điều đó gửi “một tín hiệu khác cho thấy chúng ta thực sự đang chứng kiến sự phục hồi dần dần của nền kinh tế Trung Quốc sau khi chạm đáy vào năm ngoái”, Song viết trong một báo cáo.

    Ông nhận định, nếu đà phục hồi tiếp tục duy trì, ngành sản xuất sẽ góp phần giúp Bắc Kinh đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm 2024. Tuy nhiên, ông cho rằng Trung Quốc vẫn cần đưa nhiều chính sách hỗ trợ hơn để duy trì động lực tăng trưởng và phục hồi.

    ING cho biết thêm, các nhà sản xuất ở Trung Quốc có thể hưởng lợi từ các chính sách đổi hàng cũ lấy hàng mới mà Bắc Kinh dự kiến thực hiện trong năm nay.

    Hồi đầu năm, Trung Quốc thông báo sẽ thúc đẩy một chương trình nhằm khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp thay thế hàng hóa và thiết bị cũ, như một phần trong nỗ lực giúp thúc đẩy nền kinh tế. Theo đó, họ sẽ bù thêm một số tiền chênh lệch cho nhà sản xuất để đổi hàng cũ lấy mới.

    Theo Zheng Shanjie, Chủ tịch Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc, chương trình này sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông, giáo dục, du lịch văn hóa và chăm sóc sức khỏe. Ông ước tính, thị trường đổi hàng cũ lấy hàng mới đối với xe hơi và đồ gia dụng có quy mô lên đến “hàng nghìn tỉ nhân dân tệ”.

    Ông lưu ý rằng chính sách thúc đây nâng cấp và trao đổi hàng cũ lấy mới có thể đóng góp đáng kể cho nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

    “Việc thúc đẩy nâng cấp thiết bị và đổi hàng tiêu dùng cũ lấy mới ở quy mô lớn như vậy là một dự án có hệ thống, sẽ được hỗ trợ bởi các chính sách tài khóa, tài chính và thuế”, ông nói.

    Theo WSJ, Financial Times

    Saigon
    Saigon
    Sài Gòn là thành phố lớn nhất Việt Nam và là một siêu đô thị. Đây còn là trung tâm kinh tế, giải trí, một trong hai trung tâm văn hóa và giáo dục quan trọng tại Việt Nam.
    spot_img

    Bài viết liên quan

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here