spot_img
More

    Kinh tế Mỹ có rơi vào trì lạm?

    Một số chuyên gia đang e rằng nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với sự tái xuất hiện của tình trạng suy thoái kinh tế trong khi lạm phát tiếp tục lên cao. Tình trạng này làm cho nhiều người nhớ lại những năm 1970, mà đặc trưng là lạm phát cao kéo dài và tăng trưởng kinh tế giảm xuống, tức “trì lạm – stagflation”. Liệu điều này có diễn ra?

    Gần đây, các báo cáo về lạm phát của quí đầu tiên năm 2024 cho thấy tình hình không mấy sáng sủa, có thể gợi ý cho thấy rằng việc kiểm soát lạm phát sẽ có thể khó khăn hơn dự kiến. Kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại, tính theo năm chỉ tăng 1,6% trong quí 1 năm nay. Và đây là tăng trưởng kém nhất kể từ năm 2022.

    Tiêu dùng ở Mỹ vẫn tăng dẫu có lạm phát

    Lạm phát tăng

    David Donabedian, giám đốc đầu tư của CIBC Private Wealth US, đã bình luận về dữ liệu GDP mới nhất. Ông nhấn mạnh đến vấn đề kép. Đó là tăng trưởng kinh tế đang chậm lại kèm theo đó lạm phát cao hơn. Theo ông, phải quan ngại trước “việc lạm phát cốt lõi đã tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, vượt quá tỷ lệ hàng năm 5%”.

    Suy thoái kinh tế kết hợp với lạm phát cao – stagflation – là một thuật ngữ mô tả sự kết hợp giữa suy thoái kinh tế và lạm phát cao. Tình trạng này được coi là một trong những kịch bản tồi tệ nhất cho Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nó từng đã làm đau đầu nước Mỹ trong những năm 1970 và đầu những năm 1980. Thời đó, nhiều chỉ số đều đã tăng: giá dầu, nạn thất nghiệp. Cộng thêm vào đó là một chính sách tiền tệ nới lỏng. Tất cả đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng lên đỉnh điểm 14,8% vào năm 1980. Điều này đã buộc Fed phải cho tăng lãi suất một cách mạnh mẽ, lên tới gần 20% ngay trong năm đó.

    Mặc dù nỗi lo về trì lạm đã nổi lên lại trong  năm 2022, khi Fed tăng lãi suất lên cao hơn bình thường để chống lạm phát, nhưng phần lớn sự lo ngại này đã tan biến vào năm 2023. Tuy nhiên, các dấu hiệu gần đây lại cho thấy lạm phát có thể diễn ra dai dẳng hơn dự kiến, ngay cả khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại.

    Lạm phát đã giảm đáng kể từ đỉnh điểm 9,1%, nhưng không có nhiều tiến triển kể từ mùa hè năm 2023. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,5% vào tháng 3-2024, mức tăng mạnh nhất trong sáu tháng qua (từ đầu tháng 9-2023 đến cuối tháng 3-2024).

    Ông Jamie Dimon, tổng giám đốc ngân hàng JPMorgan Chase, đã bày tỏ lo ngại về khả năng trì lạm kinh tế. Ông phát biểu tại Câu lạc bộ kinh tế New York rằng “có khả năng điều đó có thể xảy ra lại” như những năm 1970.

    Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, đã bày tỏ sự thất vọng về việc “không có tiến triển nào” về lạm phát trong năm nay; ông nghi ngờ hiệu quả của việc cắt giảm lãi suất. Mặc dù Fed có thể chọn cắt giảm lãi suất, nhưng các quan chức của Fed lại cho rằng điều này không cấp bách, bởi nền kinh tế đã tăng lại cùng với đó là nguy cơ lạm phát cũng tăng lên.

    Trên thế giới, đô la Mỹ tiếp tục tăng giá

    Nhà đầu tư hạ kỳ vọng

    Trước đó, các nhà đầu tư đã dự đoán rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất một cách mạnh mẽ, nhưng giờ họ đều hạ kỳ vọng xuống, sau khi đọc các báo cáo về lạm phát (đang tăng tiếp tục) và sự thận trọng của Fed.

    Tác động của lãi suất tăng cao hơn trước đã được thể hiện một cách rõ ràng qua việc cho vay tiêu dùng và doanh nghiệp, với tỷ lệ trung bình trên các khoản vay thế chấp 30 năm đã vượt quá 7%. Đây cũng là lần đầu tiên người ta chứng kiến tình hình này trong nhiều năm qua. Mặt khác, chi phí vay cho các khoản vay khác cũng đã tăng. Do vậy, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng chậm lại.

    Mặc dù có những thách thức này, chi tiêu tiêu dùng và việc doanh nghiệp tuyển thêm người vẫn không thấy giảm. Vậy nên thị trường chứng khoán Wall Street đã lạc quan hơn, cho rằng nền kinh tế Mỹ không đứng trước bờ vực của trì lạm.

    Thị trường lao động vẫn mạnh mẽ, với 303.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng 3- 2024, vượt xa dự đoán của các nhà kinh tế. Như vậy, cơ hội việc làm trở nên phong phú hẳn trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ xuống còn 3,8%.

    Ông Bill Adams, nhà Kinh tế trưởng của ngân hàng Comerica, chỉ ra rằng việc thu nhập tăng và tiêu dùng của tháng 3-2024 cũng tăng “có thể khiến người ta an tâm chút ít bởi trì lạm trong nền kinh tế không thấy diễn ra, cho dù GDP đã suy giảm trong quí đầu tiên của năm nay”.

    Tình trạng này hình như gợi ý rằng trong khi nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với gió lớn, nó vẫn có đủ động lực để tránh một kịch bản trì lạm kinh tế toàn diện.

    (Theo Fox Business News)

    Kinh tế Mỹ khó bị trì lạm

    Giảm phát với GDP giảm và chỉ số CPI giảm là mối quan ngại của các nước phát triển, điển hình là Nhật Bản đã ở tình cảnh này trong nhiều năm rồi.

    Giảm phát với CPI tăng (trì lạm – stagflation), là trường hợp hiếm gặp, chỉ xảy ra khi  tiêu dùng và đầu tư suy giảm (nguyên nhân chính gây ra giảm phát) cộng thêm giá cả tăng từ cung tiền quá mức của chính phủ, có những khoản chi ngân sách hoang phí, hoặc có những nguyên nhân làm cho giá nguyên liệu thiết yếu tăng đột biến. Với các quốc gia quản lý ngân sách chặt chẽ như Mỹ thì nguyên nhân từ cung tiền quá mức (hoang phí) ít khi xảy ra, và tình trạng trì lạm năm 1970 cụ thể là do giảm phát từ nhiều chi tiêu của Chính phủ Mỹ bị cắt giảm sau chiến tranh, và giá dầu tăng quá mạnh.

    Giờ hãy trở lại với mối lo sẽ có trì lạm trong năm 2024 hay không, khi lạm phát có vẻ tăng trở lại và GDP giảm. Thật ra, lo rằng lạm phát tăng thêm chỉ là phòng xa; vì trong giai đoạn 2020, chính phủ Mỹ đã tung tiền ra rất nhiều, trợ cấp cho người dân trong đại dịch Covid nên đã gây ra lạm phát. Trong 6 tháng gần đây, lạm phát ở Mỹ đã không tiếp tục giảm là do giá nguyên liệu như dầu đang trong xu thế tăng trở lại và bất ổn chính trị ở châu Âu và Trung Đông khiến cho chi phí vận chuyển và hàng hóa tăng…

    Bất ốn khó tiên đoán ở hai khu vực địa chính trị Nga – Ukraine và Israel – Hamas có thể tạo ra suy thoái kinh tế thế giới. Tuy nhiên, hiện tại, chỉ số việc làm tăng là chỉ báo quan trọng cho thấy nền kinh tế Mỹ sẽ khó bị suy giảm. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ, theo tôi, cũng sẽ không tung tiền ra mạnh mẽ như giai đoạn Covid 2020. Hơn nữa, với năng lực sản xuất của Mỹ, lạm phát sẽ khó tăng như trong giai đoạn Covid 2020.

    TS kinh tế Đinh Thế Hiển

     

     

    Saigon
    Saigon
    Sài Gòn là thành phố lớn nhất Việt Nam và là một siêu đô thị. Đây còn là trung tâm kinh tế, giải trí, một trong hai trung tâm văn hóa và giáo dục quan trọng tại Việt Nam.
    spot_img

    Bài viết liên quan

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here